Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư

15/04/2025 13:33

Thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Bình Phước năm 2030 định hướng đến năm 2045. Hàng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18 tháng 11 hàng năm) là một sự kiện quan trọng, được tổ chức ở các khu dân cư trên cả nước, mang đậm ý nghĩa văn hóa, chính trị và xã hội. 

Đây không chỉ là dịp để bà con các dân tộc, tôn giáo, nhóm xã hội trong cộng đồng đoàn kết, nâng cao tình đoàn kết, mà còn là cơ hội để phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Hơn 21 năm, kể từ khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nhằm củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua Luật số 75/2015/QH13, chính thức lấy ngày 18/11 hàng năm làm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ngày hội không chỉ là dịp để tôn vinh tinh thần đoàn kết, mà còn tạo điều kiện để cộng đồng thể hiện bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các địa phương triển khai hiệu quả các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tại Bình Phước, một tỉnh có sự đa dạng về dân tộc và tôn giáo, Ngày hội Đại đoàn kết đã được tổ chức đồng bộ và sáng tạo, với nhiều hoạt động đặc sắc như biểu diễn cồng chiêng của người S’tiêng, hát Then của dân tộc Tày - Nùng, múa dân vũ, phục dựng các lễ hội truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, các danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” cũng được tuyên dương, khuyến khích tinh thần thi đua trong Nhân dân.

Các đại biểu cùng người dân tham gia các hoạt động tái hiện đời sống lao động tại các khu dân cư của 3 thôn: Bình Thọ, Bình Lợi và Bình Trung, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng.

Văn học và nghệ thuật đóng vai trò cầu nối gắn kết cộng đồng, truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp. Trong Ngày hội, những buổi giao lưu văn học, kể chuyện truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian đã góp phần gìn giữ và lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Những câu chuyện, bài thơ ca ngợi tinh thần đoàn kết, yêu nước không chỉ tạo niềm cảm hứng mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm với quê hương, đất nước. Tại Bình Phước, nhiều hoạt động nghệ thuật được tổ chức nhằm tạo sự kết nối giữa các thế hệ, khẳng định vai trò của văn học và nghệ thuật trong việc phát triển đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy cộng đồng đoàn kết, học hỏi và bảo tồn những giá trị truyền thống.

Dù có nhiều điểm sáng, nhưng việc tổ chức Ngày hội tại một số địa phương vẫn còn thiếu tính sáng tạo, chưa khai thác hết nét đẹp văn hóa của từng vùng. Để nâng cao hiệu quả tổ chức, cần thực hiện các giải pháp sau: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong tổ chức Ngày hội, lồng ghép các lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tổ chức, đa dạng hóa hoạt động lễ và hội, khuyến khích các phong trào thi đua trong cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tinh thần đoàn kết, giáo dục truyền thống văn hóa gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng các mô hình hay, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hiệu quả để các địa phương học hỏi, đảm bảo tính đồng bộ và sáng tạo trong Ngày hội.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp để cộng đồng cùng nhau giao lưu, gặp gỡ, mà còn giúp gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vì sự phát triển chung của xã hội. Trong đó, văn học và nghệ thuật tiếp tục giữ vai trò quan trọng, góp phần xây dựng một cộng đồng bền vững, một xã hội hài hòa và một Bình Phước phát triển vững mạnh.